Nơi ấy mình đã sống, đã gắn bó bao nhiêu năm trời. Nơi ấy mình đã, đang và sẽ trải qua biết bao nhiêu buồn vui của kiếp người. Vậy mà trong nhịp đời hối hả, đã bao giờ mình lắng đọng suy tư để kịp nghĩ về nó đâu.
Có lẽ do “bụt chùa nhà không thiêng” hay do quen quá đâm ra trơ về cảm xúc mà cho đến trước khi nghe lời trách của bạn, tôi chưa từng có ý định viết về thành phố này. Mà giờ muốn viết cũng biết viết gì đây. Tuy Hòa đâu có cái lãng mạn, đa tình của Đà Lạt; đâu có cái sầm uất, náo nhiệt của Sài Gòn; cũng đâu có cái trầm mặc, cổ kính, linh thiêng của Huế. Tuy Hòa đơn giản chỉ là một thành phố nhỏ khiêm nhường ven biển Nam Trung Bộ, nơi nắng gió dữ dội vào mùa hè; bão lũ liên miên vào mùa mưa; nơi nhỏ bé, đơn sơ với cái chất quê còn lẫn vào giữa phố.
Nhưng rồi tôi lại thoáng có suy nghĩ rằng nếu một ngày nào đó phố nhỏ Tuy Hòa của tôi đổi cái mộc mạc, bình yên ấy đi để thay bằng náo nhiệt, ồn ào như bao phố lớn khác thì chắn chắn nhiều người Tuy Hòa sẽ cảm thấy nuối tiếc, hụt hẫng lắm đây. Tôi bỗng nhận ra rằng thì ra chính cái chất quê ấy mới là vẻ đẹp thuộc về phần hồn của Tuy Hòa, là một giá trị riêng thuộc về thành phố này.
Ở Tuy Hòa, xen vào giữa những đường phố lớn vẫn còn có những ngôi làng mà người dân chủ yếu vẫn sinh sống bằng nghề làm ruộng với lối sinh hoạt, văn hóa đậm chất nông thôn. Chạy xe máy trên đường Hùng Vương hay Trần Phú – những đường phố lớn của Tuy Hòa – bạn vẫn có thể nhìn ngắm những thửa ruộng vàng lúa chín, những ruộng dưa xanh phơi mình trong nắng sớm hay những ao rau muống tươi non đến mỡ màng; vẫn có thể nhìn thấy những điều tưởng chừng như chỉ có trong những bức tranh quê: Cảnh đàn bò bình yên gặm cỏ, cảnh những đàn cò trắng “phân vân đôi cánh” (1) trong những buổi chiều về.
Người Tuy Hòa thân thiện với thiên nhiên đến lạ. Ngày nào cũng chừng 4-5g sáng, khi những tiếng gà trong những làng ven phố vừa gáy thì lại nghe giọng quê í ới gọi nhau đi tắm biển. Biển Tuy Hòa hầu như chưa được khai thác để phục vụ du lịch nên dường như vẫn còn giữ được nguyên vẹn cái vẻ mộc mạc, hoang sơ của mẹ thiên nhiên. Trong ánh ban mai ấm áp, giữa những rặng phi lao xanh rì rào trong gió, hòa mình vào làn nước mát lành của biển, cảm giác như ta đang chạm vào cái khoảnh khắc trong trẻo, thuần khiết nhất của đất trời để rồi lãng quên tất cả những bề bộn, âu lo.
Những đêm trăng sáng thanh bình, người Tuy Hòa lại tìm về núi Nhạn – một biểu tượng độc đáo của thành phố – để được ngắm vẻ đẹp hiền hòa của dòng sông Đà Rằng uốn lượn dưới chân núi, ngắm ánh trăng huyền ảo dát ánh vàng trên tháp Nhạn cổ kính rêu phong để dìu hồn mình về với những huyền tích xa xưa của người Chăm.
Ở Tuy Hòa, những món ăn dân dã được bày bán nhiều ở dọc các phố. Chỉ 20.000 đồng là có thể mua được chục cái bánh ít lá gai, chỉ 5000 đồng là có một trái bắp nướng chan mắm đục thơm lừng, chỉ 30.000 đồng là có thể có được một bữa bánh xèo tôm mực. Tất cả đều mang đậm vị quê và ngon đến nao lòng.
Tuy Hòa là vậy, như cô gái quê dời nhà ra phố mà vẫn không đổi giọng quê, vẫn giữ thói quen gội đầu với nước nấu bằng bồ kết, lá chanh. Bình thường thôi, mộc mạc thôi nhưng làm người đi xa phải tha thiết nhớ, người một lần đến không thể lãng quên. Thương lắm cái hồn quê nơi phố nhỏ Tuy Hòa!
Một buổi chiều muộn, một mình chạy xe máy lên cầu Hùng Vương, nhìn dòng nước Đà Rằng lững lờ trôi ra biển giữa cái gió “chuyên cần và phóng túng” (2) của Tuy Hòa, tôi bỗng nghĩ rằng, rồi đây, trải qua bao biến thiên, phố nhỏ Tuy Hòa cũng sẽ vươn mình phát triển như bao thành phố khác. Hàng loạt cao ốc sẽ mọc lên, phố xá sẽ trở nên sầm uất, cuộc sống sẽ trở nên nhộn nhịp, ồn ào. Cái chất quê của Tuy Hòa chắc chắn cũng sẽ bị xâm thực, bào mòn đi không ít. Đó là quy luật, mà đã là quy luật thì không thể khác. Chỉ có những người Tuy Hòa trót yêu cái bình dị, đơn sơ của phố nhỏ hôm nay là thoáng chút ngậm ngùi, là mong níu giữ dẫu chỉ là một chút hồn quê. Bất chợt nhớ đến câu thơ Nguyễn Bính “Van em em hãy giữ nguyên quê mùa”.
Tuy Hòa, tháng 12.2016
- Chú thích:
(1) Ý thơ Xuân Diệu
(2) Ý thơ Trần Mai Ninh
- Xem thêm: Khách sạn, resort giá tốt Phú Yên tại Chudu24.