Nhà ga này được xây ở Bát Đạt Lĩnh, nơi có đoạn Trường Thành được tham quan nhiều nhất dài khoảng 80 km ở phía Tây Bắc thủ đô Bắc Kinh.
Theo Tổng cục Du lịch Quốc gia Trung Quốc, chỉ trong vòng 1 ngày của tuần lễ mừng năm mới, có tới 30.000 lượt du khách ghé thăm nơi đây.
“Nhà ga Bát Đạt Lĩnh sẽ nằm sâu bên dưới mặt đất khoảng 102 m, với diện tích xây dựng ngầm khoảng 36.000 m2, tương đương với 5 sân bóng đá tiêu chuẩn. Đây sẽ là nhà ga đường sắt cao tốc sâu nhất và lớn nhất thế giới” – ông Chen Bin, giám đốc phụ trách xây dựng thuộc Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc Số 5, trả lời phỏng vấn tờ Nhân dân Nhật báo.
Nhà ga này nằm dọc theo mạng lưới đường sắt nối giữa 2 thành phố Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu, nơi diễn ra Thế Vận hội.
Tập đoàn đường sắt trên cho biết nhà ga Bát Đạt Lĩnh sẽ đi xuyên qua những ngọn núi phía dưới Vạn Lý Trường Thành. Họ phải sử dụng công nghệ nổ tiên tiến để đảm bảo Di sản Thế giới của UNESCO không bị ảnh hưởng.
Trước đó, một phần khác của Vạn Lý Trường Thành được “tu sửa” nhìn giống như xi măng, khiến nhiều người lo ngại về cách Trung Quốc bảo vệ tài nguyên văn hóa của đất nước.
Công trình phục hồi này được chính quyền quận Tuy Trung, tỉnh Liêu Ninh chỉ đạo thực hiện. Tại nhiều khu vực nông thôn, phần gạch trên các bức tường của một trong bảy kỳ quan thế giới đã bắt đầu lỏng ra và có nguy cơ đổ sập, đặc biệt là khi mưa lớn, tờ Beijing Youth Daily đưa tin.
Tờ báo này dẫn lời một nhân viên thuộc văn phòng di tích văn hóa quận Tuy Trung cho biết dự án tu sửa được Cục Quản lý Nhà nước về Di sản Văn hóa chấp thuận. Theo lời người này, họ dùng vôi để sửa chữa đoạn Trường Thành ở làng Xiaokekou và tất cả các bước đều hợp lý lẫn hợp pháp.
Một dân làng cho biết chính quyền tiến hành tu sửa khoảng 2 km và dự án này hoàn thành từ hai năm trước, tờ Beijing Youth Daily viết.
Tuy nhiên, việc này chỉ được chú ý rộng rãi sau khi nhiều du khách và nhiếp ảnh gia nghiệp dư đăng các bức ảnh lên mạng. Trong đó, có thể thấy phần đỉnh của bức tường láng phẳng như mặt đường xi măng. Những nét đặc trưng của di tích, ví dụ như những lỗ hổng dùng để bắn tên, đều bị lấp lại.
Các cư dân mạng cũng như các chuyên gia về di sản đều lên tiếng chỉ trích công trình phục hồi này. Ông Dong Yaohui, phó giám đốc Hội Ủng hộ Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc, chia sẻ trên tờ Beijing Youth Daily rằng ông cảm thấy “đau lòng” mỗi khi nhìn thấy thành lũy cổ bị cải tạo “khó nhận ra thế này”.
Theo ông Dong, phần Trường Thành tại Tuy Trung không phải là nơi duy nhất bị tu sửa nghèo nàn và cho biết không có quy chuẩn quốc gia cụ thể nào về cách phục hồi. Mục tiêu cơ bản là phải đảm bảo các tính năng ban đầu được giữ nguyên càng nhiều càng tốt “để bảo tồn thông điệp lịch sử của Vạn Lý Trường Thành” – ông Dong nói thêm.